bac-si-thuy-trang-da-lieu

Bạch biến là gì? Tất tần tật về bạch biến - BS Thùy Trang

17 tháng 07 2024
nguyễn thị thuỳ trang
Bệnh bạch biến là một bệnh lý da liễu không được nhiều người biết đến. Do đó nhiều người hoang mang, lo sợ và tiêu cực khi gặp bệnh này. Hôm nay mời các bạn cùng bác sĩ Thùy Trang tìm hiểu bạch biến là gì và những điều xung quanh căn bệnh này nhé! 

1. Bạch biến là gì?

Bạch biến là một bệnh lý da liễu, đặc trưng là những khoảng da mất sắc tố (vùng da nhạt màu hơn vùng xung quanh). Những khoảng mất màu này thường không ngứa, cạo không có vảy, có giới hạn rõ với vùng da xung quanh. Vùng da bị bạch biến sẽ có nhiều kích thước khác nhau, tùy vào từng thể bạch biến mà có thể lan rộng nếu không điều trị kịp thời. Bệnh có thể xuất hiện ở toàn thân, phổ biến nhất là ở vùng mặt, tay chân,...xuất hiện ở mọi lứa tuổi từ trẻ nhỏ đến người lớn.

Đây là bệnh lành tính, không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, không lây nhưng gây ảnh hưởng về tính thẩm mỹ, khiến người bệnh bị tự ti về ngoại hình. Bạch biến được xếp vào nhóm bệnh hiếm, ở Hoa Kỳ tỷ lệ bệnh nhân bạch biến chiếm 1-2%, còn ở Việt Nam thì chưa có số liệu thống kê cụ thể về bệnh này! 

Bạch biến gây ra những vùng da loang lổ, khiến bệnh nhân tự ti

2. Nguyên nhân gây bệnh bạch biến là gì?

Nguyên nhân là do mất các tế bào hắc tố (melanocytes) có chức năng tạo ra melanin. Trong cơ thể, melanin là thành phần quan trọng tạo nên màu da bình thường của chúng ta. Không có melanin, những vùng da này sẽ nhạt màu hơn da bình thường. Một số trường hợp, bệnh nhân còn bị trắng cả tóc, lông mi, lông mày,... Nguyên nhân có thể gây ra bệnh bạch biến như:

2.1. Yếu tố di truyền:

Theo thống kê từ Hoa Kỳ, bệnh có tính chất gia đình với khoảng 30% các trường hợp có khả năng di truyền. Như vậy, nếu trong gia đình có người thân bị, thì có khả năng bạn sẽ mắc căn bệnh này. 

2.2. Rối loạn miễn dịch:

Hiện nay, nhiều thuyết cho rằng bệnh bạch biến xuất hiện do rối loạn hệ miễn dịch. Cơ thể tấn công các tế bào sản xuất melanin gây nên sự bất thường về màu da. Các tự kháng thể xem các tế bào sắc tố như là các tự kháng nguyên và phá hủy tế bào sắc tố. Điều này làm giảm số lượng sắc tố melanin gây mất màu da. 

Theo nghiên cứu cũng chỉ ra khoảng 20 - 30% bệnh nhân bạch biến có tự kháng thể chống lại tế bào của tuyến giáp, tuyến thượng thận, tuyến sinh dục, gan tụy.  Vậy nên, một số bệnh nhân bạch biến cũng gặp các bệnh lý kể trên.

2.3. Tác động của môi trường:

Khi tiếp xúc với các hóa chất, tác nhân độc hại cũng gây tác động tiêu cực đến tế bào sản xuất melanin và gây bệnh bạch biến.

2.4. Stress và tâm lý:

Stress và tâm lý tiêu cực có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của bệnh bạch biến, khiến bệnh tiến triển nặng nề hơn. 

Nhiều bệnh nhân gặp vấn đề tâm lý khi mắc bạch biến

3. Bệnh bạch biến có chữa khỏi hoàn toàn được không? 

Bạch biến được đánh giá là bệnh lý có diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, còn tùy thuộc vào đáp ứng của từng bệnh nhân. Tuy nhiên với sự tiến triển của y học hiện đại, người ta đã tìm ra các phương pháp để khôi phục sắc tố và nhiều bệnh nhân đã lấy được lại màu da cho mình.

Giải đáp vấn đề bạch biến có chữa khỏi hoàn toàn được không, Bác sĩ Thùy Trang cho biết: “Đối với các trường hợp vết bạch biến nhỏ, đã ổn định, không còn lan nữa thì khả năng chữa khỏi hoàn toàn là rất cao. Còn với các bạn bị bạch biến lan rộng, lan nhanh thì điều trị sẽ khó khăn hơn, dễ tái lại nhất là với những bệnh nhân thường xuyên căng thẳng, stress, hay sử dụng các chất kích thích,.. Do đó cần bệnh nhân nghiêm túc phối hợp và tuân thủ phác đồ điều trị không chỉ trong quá trình điều trị mà còn cả sau khi khỏi bệnh”

4. Các phương pháp điều trị bạch biến

Bên cạnh vấn đề tìm hiểu bạch biến là gì, nhiều bệnh nhân cũng quan tâm đến các phương pháp điều trị bạch biến. Để lựa chọn phương án điều trị hiệu quả và an toàn cho bệnh nhân thì bác sĩ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thể bạch biến, độ tuổi, thời gian bị, tốc độ lan,... Hiện nay có rất nhiều phương pháp điều trị bạch biến phổ biến như:

4.1. Sử dụng thuốc

Dùng thuốc bôi, uống đang là phương pháp điều trị đầu tay của các bác sĩ. Bác sĩ Thùy Trang sẽ dựa vào tình trạng của từng bạn để lựa chọn những thuốc phù hợp, kê thuốc theo từng giai đoạn để luôn đảm bảo an toàn và hiệu quả cho bệnh nhân. 

4.2. Chiếu đèn UVB

Phương pháp được bác sĩ ưu tiên thứ 2 là chiếu UVB phổ hẹp. Các nghiên cứu đã chứng minh bước sóng từ 311 đến 313nm có thể làm ngưng hoặc chậm tiến triển của bệnh bạch biến. Khi sử dụng cùng thuốc sẽ tăng hiệu quả điều trị.  Các bạn có thể đến các cơ sở để chiếu đèn hoặc mua đèn về tự chiếu theo sự hướng dẫn của bác sĩ. 

Đèn UVB trong điều trị bạch biến 

4.3 Chiếu excimer

Excimer cho ánh sáng có bước sóng là 308 nm gần với bước sóng của đèn NB-UVB. Phương pháp này cũng được nghiên cứu và chứng minh hiệu quả  trong điều trị bạch biến nên thường sử dụng rộng rãi tại các bệnh viện da liễu.

4.4 Laser CO2

Trong các nghiên cứu, phương pháp CO2 cũng thể hiện hiệu quả trong điều trị bạch biến. Tùy vào tình trạng của từng bệnh nhân, bác sĩ có thể phối hợp laser CO2 với các phương pháp khác để tăng hiệu quả 

4.5. Ghép tế bào tự thân

Nếu các bệnh nhân không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác thì sẽ được bác sĩ chỉ định ghép tế bào tự thân. Đây là phương pháp cho hiệu quả cao, có thể lên đến 70-80%. Bác sĩ sẽ dùng chính tế bào thượng bì (gồm tế bào hắc tố, gai, một số tế bào gốc) của bệnh nhân để ghép vào tổn thương bạch biến.

Các phương pháp này áp dụng cho những trường hợp như

- Vùng bị bạch biến đã ổn định, không lan ít nhất một năm 

- Không có hiện tượng Koebner: Không xuất hiện bạch biến mới hoặc lan rộng ở vùng chấn thương như vết cắt, cứa, vết bỏng, xăm,....

- Không có tiền sử sẹo lồi do chấn thương

Bác sĩ Thùy Trang vừa giúp các bạn hiểu rõ hơn bạch biến là gì cũng như các phương pháp điều trị bạch biến chuẩn y khoa hiện nay. Những năm qua, với kinh nghiệm và tâm huyết của mình, bác sĩ đã điều trị thành công nhiều ca bạch biến và giảm sắc tố. Nếu bạn đang tìm cho mình một bác sĩ đồng hành cùng mình trên “Hành trình lấy lại màu da” hãy liên hệ cho bác sĩ Thùy Trang qua số điện thoại 0986995334!

Viết bình luận của bạn
Messenger